Cách đây vài năm về trước trong buổi họp cùng một người cộng sự lâu năm đã đồng hành cùng mình, buổi họp đó bạn đó xin nghỉ việc và rất giận dữ – trong một phút sâu lắng đó có cái biết và câu hỏi hiện ra “Vì sao con người sống với nhau cứ xung đột với nhau vậy?”.
“Con người có thể sống hòa bình với nhau được không?”
Câu hỏi đó đã bắt đầu cuộc hành trình của kẻ tìm kiếm…
Kể ra đến lúc này nhìn lại tôi thấy mỗi biến cố, nghịch cảnh xảy ra với cuộc đời mình lại là “duyên lành” giúp mình nhận ra và sống ý nghĩa hơn trọn vẹn hơn.
Duyên lành đầu tiên trong biến cố khi công ty gặp khủng hoảng dòng tiền (công ty hoạt động mà bị thiếu tiền) tôi bị nhà cung cấp, đối tác đòi nợ – dọa nạt ghê lắm. Cứ thấy điện thoại rung lên là sợ lắm không dám nghe. Sau bình tâm trở lại tôi đã đi gặp từng nhà cung cấp để xin hoãn nợ. Có người đồng ý giãn 6 tháng, có nhà cung cấp thì cho vay tiền,… đúng là lúc khó khăn mới biết mình xoay sở ra sao và người xung quanh mình luôn sẵn sàng giúp đỡ mình. Cái chính là mình không mất niềm tin.
Biến cố đó tôi đã tìm đến khóa thiền vipassana 10 ngày, đó là lần đầu tiên và kỳ diệu trong đời là ngồi 12 tiếng một ngày quan sát hơi thở, quan sát suy nghĩ, quan sát cảm giác,… hồi đó thiền xong chẳng biết quan sát để làm gì. Tôi đã có hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu là tại sao lại có suy nghĩ lung tung đó, mình có thể dừng được nó không,…. Tôi tiếp tục tìm kiếm.
Hành trình đó đã dẫn tôi đến với cuốn sách để đời mà hàng năm tôi đều đọc lại 2 lần “Sức mạnh của hiện tại” do tác giả người Đức Eckhart Tolle viết. Các khái niệm Tỉnh thức, hiện hữu, có mặt, dòng suy tư miên man… đã một lần nữa trả lời cho câu hỏi trên hành trình tìm kiếm câu hỏi cuộc đời. Tôi biết ơn ông nhiều lắm… Tôi tiếp tục tìm kiếm.
Hành trình tiếp theo một đạo sư tôi đã mê mẩn khi chạm đến cuốn sách của ông là OSHO, ngôn từ của ông có sức hút kỳ lạ, tôi đã dành vài năm và nhiều thời gian đọc sách và khám phá cuộc sống, khám phá chiều sâu bên trong của mình. Tất cả cuốn sách trên thị trường của bác OSHO tôi đều mua… Tôi vẫn không thỏa mãn, lại tiếp tục tìm kiếm.
Hành trình đó dẫn tôi đến Krisnamuti, đến thầy Thích Nhất Hạnh, đến các tác giả tâm linh nổi tiếng… tôi luôn tò mò câu hỏi sau khi đọc sách của các bác ấy “Rồi sao nữa”…
Tôi biết đến họ đều nói đến một thứ ngôn ngữ giống nhau nhưng Tâm trí tò mò tìm kiếm giúp tôi không thỏa mãn với lời giải thích của các vị ấy.
Rồi đến một ngày trong khóa học “Cùng nhau trở về”, người chị đã hỗ trợ tôi rất nhiều với tò mò khá phá của mình: chị Ly.
Chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần là quan sát, tỉnh biết, nhận ra định kiến, đàn áp, bám víu, trải nghiệm mà không dính mắc,… Tôi đã tự nhận ra tôi đã dính mắc trên con đường Tỉnh thức dính mắc vào việc tu để trở thành vị thánh – đó là sự hiểu lầm – là sự điên loạn – là căn bệnh. Sau này tôi bỗng nhận ra tu để trở về con người bình thường, hoàn toàn bình thường.
Sau này tôi hiểu ra mình đi tu có khi là để trốn tránh cuộc đời, để tìm thú vui, để tìm hạnh phúc do mình tự nghĩ ra. Rồi tìm mãi chẳng thấy hạnh phúc đâu cả.
Từ ngày đó tôi bắt đầu dừng việc tìm kiếm để sống, để trọn vẹn, để đi vào cuộc sống.
Hành trình của kẻ tìm kiếm cũng cực lắm, cũng gian nan, cũng nặng đầu lắm. Chỉ khi nào ta sống trọn vẹn bỏ các khái niệm mà ta đã từng dính mắc thì lúc đó ta mới có tự do và thong dong.
Biết ơn cuộc đời.
Tuấn Kids.